Các doanh nghiệp sản xuất thùng cactông, giấy bao bì trong nước đang điêu đứng bởi giá giấy cuộn cactông tăng chóng mặt và khan hiếm, do thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu gom sạch sản phẩm này với giá cao.
Trong khi đó, các nhà sản xuất giấy Việt Nam đang được hưởng lợi lớn do sản xuất không kịp để giao cho khách, hàng ra bao nhiêu cũng được tiêu thụ sạch với giá cao, tiền tươi thóc thật.
Nhà sản xuất cười, người mua khóc
Gần một tháng qua, ông H.Q.L., Giám đốc Công ty thực phẩm P (Khu công nghiệp Biên Hòa), đứng ngồi không yên khi bảng báo giá các loại bao bì được sản xuất từ giấy cuộn cactông cứ tăng liên tục.
“Lúc trước chúng tôi chốt giá rất dễ dàng vì đặt hàng quanh năm, 6 tháng mới ký hợp đồng một lần. Nhưng gần đây nhà sản xuất bao bì nói không có nguyên liệu để làm, có giá nào ký giá đó, hợp đồng có hiệu lực tối đa một tháng” – ông L. than.
Anh Thành – phụ trách marketing một thương hiệu sản xuất bánh kẹo quy mô lớn khu vực phía Nam – cũng lo lắng cho biết tất cả chủng loại bao bì, thùng vận chuyển hàng hóa được làm từ giấy cuộn cactông đều đồng loạt tăng giá ít nhất 20-25% so với thời điểm đầu năm.
“Chưa bao giờ thị trường khu vực phía Nam lại xảy ra tình trạng giá nguyên liệu giấy cuộn cactông tăng cao như vậy. Nhưng chỉ tầm vài ba tuần gần đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì liên tục thay đổi giá với lý do họ bị thương nhân Trung Quốc tranh mua nguyên liệu khiến họ cũng bị động, không tăng giá không được” – anh Thành chia sẻ.
Lan sang các nước trong khu vực
“Các nhà buôn TQ đến tất cả các nhà máy sản xuất giấy bao bì lớn nhỏ của VN đặt mua hết với giá mua cao hơn giá bán trong nước 1,5 – 2 triệu đồng/tấn, dao động 11,5 – 13 triệu đồng/tấn tùy loại, thậm chí còn ứng tiền trả trước nên nhiều nhà máy sản xuất giấy trong nước khó từ chối” – ông T., Giám đốc một công ty giấy tại Bình Dương, tiết lộ.
Theo các chuyên gia ngành giấy, hiện tượng này chắc chắn khiến các nhà máy sản xuất bao bì, cactông Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
“Nếu tới đây phải mua nguyên liệu với giá bằng mức giá mà các thương nhân TQ đang mua, các doanh nghiệp trong nước sẽ không còn lợi nhuận, thậm chí lỗ”, một chuyên gia khẳng định.
“Cơn khát” giấy từ Trung Quốc
Nhiều chuyên gia ngành giấy khẳng định nguồn cung tại Trung Quốc giảm mạnh trong khi nhu cầu tăng là nguyên nhân khiến thị trường này hút giấy bao bì cactông, đẩy giá các sản phẩm này tăng đột biến thời gian gần đây.
Theo một chuyên gia, trong nhiều năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa một loạt nhà máy sản xuất giấy và bột giấy khiến nguồn cung giảm mạnh, riêng lần đóng cửa mới nhất vừa diễn ra cách đây chưa lâu, khiến nguồn cung các sản phẩm giấy giảm thêm khoảng 16 triệu tấn.
Chưa hết, từ tháng 5-2017, Trung Quốc cũng cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, trong đó có mặt hàng phế liệu không phân loại (một trong những nguyên liệu chính để sản xuất ra giấy cuộn cactông), càng khiến thị trường rơi vào “khủng hoảng giấy” từ nguyên liệu sản xuất đến thành phẩm giấy cuối cùng.
“Nguồn nhập bị tắc trong khi sản xuất trong nước giảm do hàng loạt nhà máy bị đóng cửa khiến giá giấy tại thị trường Trung Quốc tăng mạnh, ngay như giấy phế liệu thu gom tại nội địa cũng đã ngang bằng giá bán sản phẩm tại VN”, một chuyên gia cho biết,
Vị này khẳng định trừ giấy bao bì, các loại giấy khác (giấy in, viết, tissue sử dụng nguyên liệu là bột giấy) đều không bị ảnh hưởng nhiều.
Trung Quốc khát giấy, gom sạch giấy cuộn từ Việt Nam – Ảnh 2.
Giảm giá bán cho doanh nghiệp Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hàn Vinh Quang, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), thừa nhận chuyện các nhà buôn Trung Quốc sang thu gom giấy bao bì đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.
VPPA sẽ có buổi họp với các doanh nghiệp sản xuất giấy trong tháng 10-2017 để trao đổi về vấn đề này.
Theo ông Quang, tại cuộc họp này, VPPA sẽ đề nghị các doanh nghiệp cung ứng giấy bao bì trong nước phải thực hiện các đơn hàng đã nhận đối với các đối tác nội địa, đồng thời đề nghị các nhà sản xuất trong nước có chính sách giảm giá bán cho khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam trong một thời gian nhất định.
“Chúng tôi sẽ đề nghị giảm giá để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cũng là khách hàng lâu dài, còn nhà sản xuất giấy bao bì có chấp nhận hay không cũng đành chịu bởi giá cả phải phù hợp với thị trường, nhà sản xuất có quyền chọn bán cho những người mua trả giá tốt hơn. Đây là quy luật. Họ không thể bán giá thấp hơn được”, ông Quang nói.